Từ tác phẩm
đầu tiên được in trong nước năm 1995 ’’Vũ trụ phòng thí
nghiệm thiên nhiên vĩ đại’’ (Nhà xuất bản Giáo dục), lần
lượt và đều đặn những năm sau đó nhà thiên văn vật lý Nguyễn
Quang Riệu đang họat động ở Pháp đã cho ra mắt các quyển :
Lang thang
trên dải Ngân Hà ( NXB Văn hóa Thông tin, 1997).
Sông Ngân
khi tỏ khi mờ (song ngữ Việt Pháp – NXB Văn hóa Thông tin
1998),
Thiên văn
vật lý, viết chung với nhiều nhà khoa học khác ( song ngữ
Việt Anh, NXB Giáo dục 2000),
Bầu trời
tuổi thơ (NXB Giáo dục 2002),
Những con
đường đến với các vì sao (NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2003)
v..v..
Nhà khoa học
Nguyễn Quang Riệu cũng đã nhiều lần về Việt Nam tham gia các
chương trình phổ biến ngành thiên văn vật lý và ngành vật lý
môi trường. Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp đánh giá cao công trình
nghiên cứu của nhà khoa học Nguyễn Quang Riệu, Đài Thiên văn
Paris và đã trao cho ông giải thưởng về Thiên văn vật lý năm
1973
Trên làn sóng
của đài RFI nhìều làn quý thính giả cũng đã nghe giáo sư
Nguyễn Quang Riệu trình bày nhiều đề tài thú vị liên quan tới
vũ trụ mà ông từng so sánh là phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ
đại. Hôm nay, giáo sư Nguyễn Quang Riệu là khách mời của
chương trình Nhịp cầu tri âm.
Ánh Nguyệt:
Dạ xin kính chào GS Nguyễn Quang Riệu, dạ thưa GS theo chỗ
chúng tôi được biết thì lĩnh vực thiên văn học có ít người
theo đuổi mà số người VN trong ngành này còn ít hơn nữa có thể
đếm trên đầu ngón tay do đó câu hỏi đầu tiên của chúng tôi xin
mời GS tham gia chương trình hôm nay là vì sao GS lại chọn
ngành Thiên văn vật lý làm chuyên môn của mình?
NQR:
Đúng là như thế, thiên văn học là một môn khoa học hầu
như không được thịnh hành cho lắm, đặc biệt là ở Việt
Nam và ở các nước đang phát triển. Bởi vì muốn quan
sát bầu trời với mục đích nghiên cứu vũ trụ thì
phải xây những đài thiên văn được trang bị kính thiên
văn lớn và những máy thu tín hiệu rất là đắt tiền.
Đối tượng quan sát là những ngôi sao, những thiên hà
cách xa trái đất hàng chục và hàng tỷ năm ánh sáng,
nên thiên văn học thường được coi là môt ngành khoa học
quá xa vời và lại rất là xa xỉ. Sinh viên thường
ngần ngại trước khi họ chọn ngành thiên văn, bởi vì
họ cho là sau khi tốt nghiệp sẽ khó kiếm được việc
làm. Từ thời xa xưa, bầu trời dường như chỉ là những
nguồn cảm hứng dành cho những thi sĩ vừa nhắm rượu
vừa ca tụng vẻ đẹp cuả thiên nhiên. Ngày nay, sinh viên
khoa học ở những nước có công nghệ cao như ở Pháp
cũng có xu hướng chọn những ngành mà họ cho là thực
tế hơn. Tuy nhiên, thiên văn học cũng thu hút được
những nhà khoa học trẻ ngành vật lý, tuy họ chưa có
nhiều thiện cảm với ngành thiên văn.
Thực ra, đây
chỉ là những thành kiến, bởi vì thiên văn học
là một ngành khoa học đa ngành, bao gồm ngành vật lý,
toán học và kỹ thuật tin học và điện tử. Vũ trụ
có thể được coi là một phòng thí nghiệm lý-hóa-sinh
mà các nhà khoa học có quyền sử dụng thoải mái.
Những trạm quan sát được phóng vào không gian để chuẩn
bị chinh phục không những mặt trăng mà cả các hành
tinh lân cận như hành tinh Hoả. Sự phóng vệ tinh được
khởi động từ thời kỳ chiến tranh lạnh. Hai cường quốc
Liên Xô và Mỹ thi nhau phóng vệ tinh nhằm chinh phục
không gian với mục tiêu chiến lược quân sự.
Ở các nước
phát triển như ở Pháp và nhiều nước Châu Âu và Châu
Mỹ ngày nay, ngành thiên văn rất được phổ biến, bởi
vì đối tượng cuả nó là bầu trời, là vũ trụ mênh
mông, tức là một đối tượng rất là hấp dẫn không
những về mặt khoa học thuần túy mà còn cả về mặt
triết học, siêu hình và tôn giáo.
Ánh Nguyệt:
Dạ thưa trên con đường này GS đã được những điều kiện thuận
lợi nào để giúp GS đi tới đích như ngày hôm nay ?
NQR:
Sinh viên Việt Nam đi du học thường chọn những ngành mà
họ cho là có những áp dụng thực tế, như ngành y hoặc
ngành kỹ sư, v...v... .Bản thân tôi thì lại dấn thân
vào ngành thiên văn, một phần là do hồi còn nhỏ tôi
sinh sống tại thành phố Cảng Hải Phòng. Gia đình
thường dẫn tôi lên chơi đồi Phủ Liễn ở ngoại thành,
nơi có Đài Thiên văn. Tuy không được tiếp cận trực tiếp
và không hiểu thế nào là thiên văn học, nhưng những
cuộc dạo chơi trên đồi Phủ Liễn đã đem lại cho tôi
những ấn tượng tốt đẹp về cái nghề ngắm nhìn vũ
trụ.
Vào những
năm 50, 60 cuả thế kỷ trước, các nhà khoa học trên thế
giới muốn tìm cách thực hiện những phản ứng nhiệt
hạch tổng hợp những hạt nhân với nhau, như trong tâm
mặt trời và các ngôi sao. Họ cần phải tạo ra một
loại khí ion hoá gọi là plasma, trong đó những electron
bị tách ra khỏi ion. Nếu các nhà khoa học thực hiện
được những phản ứng nhiệt hạch trong phòng thí nghiệm
thì nhân loại sẽ có một nguồn năng lượng rất lớn so
với nguồn năng lượng cung cấp bởi những lò nguyên tử
hiện nay. Hồi đó tôi cũng muốn tham gia vào công việc
nghiên cứu plasma. Nhưng vì phải đối phó với nhiều khó
khăn kỹ thuật, chủ yếu là giữ được plasma ở nhiệt độ
cao hàng triệu độ và đủ lâu để những phản ứng nhiệt
hạch có thể tiến hành, nên các nhà khoa học vẫn chưa
đạt được kết quả đáng kể. Hồi đó tôi cảm thấy là
có thể còn gặp nhiều gian nan trong công việc nghiên
cứu plasma trong phòng thí nghiệm nên tôi đành “bỏ
cuộc” và chuyển sang làm công việc nghiên cứu plasma
trong vũ trụ. Bởi vì vật chất trong vũ trụ chủ yếu
là tồn tại dưới dạng plasma, nên không cần phải ra công
để tạo ra plasma.
Đây cũng là
một lý do để tôi quyết định chọn ngành thiên văn và
công tác tại Đài Thiên văn Paris-Meudon.
Vào đầu
thập niên 60 cuả thế kỷ trước tại Pháp ở thời Đại
De Gaulle, sự khám phá vũ trụ cũng là một vấn đề ưu
tiên. Những kính thiên văn và những ăngten lớn đã được
sử dụng để quan sát các thiên thể và để thu tín hiệu
vô tuyến trong vũ trụ. Các nhà khoa học nước ngoài,
đặc biệt là Liên Xô đã sang Đài Thiên văn Paris-Meudon
cộng tác với chúng tôi. Liên Xô là một quốc gia tiên
phong trong công cuộc chinh phục vũ trụ bằng vệ tinh
phóng lên không gian. Đây là những điều kiện thuận lợi
để thực hiện những ước mơ khoa học cuả tôi.
Ánh Nguyệt:
Dạ thưa GS Riệu, dạ làm việc tại đài thiên văn Paris mà GS là
một chuyên viên có trình độ cao từng nhận giải thưởng của
viện Hàn lâm khoa học Pháp vể Thiên văn vật lý thì hiển nhiên
là GS cũng có được ưu đãi nhưng đồng thời là một trí thức
nước ngoài thì GS có gặp khó khăn khi làm công việc ở đài
Thiên văn Paris không?
NQR:
Tôi đã có may mắn làm công việc khảo cứu tại Đài
Thiên văn Paris-Meudon trong nhiều năm và đã được sử
dụng những thiết bị hiện đại để quan sát bầu trời.
Đài Thiên văn Paris là cái nôi cuả nền văn minh khoa học
Pháp và cũng là đài thiên văn đầu tiên cuả Pháp được
xây ở thế kỷ 17, dưới triều vua Louis 14. Các nhà thiên
văn cuả Đài Paris hồi đó đã đo được lần đầu tiên tốc
độ cuả ánh sáng bằng phương pháp đo lường độc đáo
trong thiên văn. Đài thiên văn Paris là một cơ quan nghiên
cứu rất có uy tín trên trường quốc tế.
Những khó
khăn với những đồng nghiệp thì tôi không có, tôi
chỉ có những khó khăn về mặt kỹ thuật. Bầu trời
Paris đã bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải công nghiệp
và ánh đèn của đô thị Paris sầm uất. Hiện nay những
kính thiên văn và vô tuyến thiên văn được đặt ở những
vùng khô ráo trên đỉnh núi Alpes và tại Hawai và trên
những vùng sa mạc ở phía bắc nước Chilê. Các nhà
thiên văn phải đến những nơi xa lạ và hẻo lánh này để
quan sát. Tuy được chu du thiên hạ, nhưng những thời gian
công tác vất vả ở nước ngoài cũng là những khó khăn
đối với các nhà thiên văn chúng tôi. Kết quả quan
sát phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Đôi khi chúng
tôi phải trở về tay trắng, tuy đã phải thức thâu đêm
trong cả một tuần lễ, bởi vì bầu trời không đủ quang
đãng để thực hiện kế hoạch quan sát. Có lần chúng
tôi đang theo dõi quá trình tiến triển cuả một buổi
quan sát trên bước sóng vô tuyến. Trên cuộn giấy đang
tự động trải ra từ từ, hiện lên bất ngờ những đỉnh
nhiễu gây ra bởi những thiết bị điện tử cuả một
chiếc máy bay bay rât thấp. Trong tình huống này, chúng
tôi cảm thấy bực bội và chỉ còn cách vứt số liệu
đi.
Ánh Nguyệt:
Dạ chúng tôi được biết GS có nhiều lần về nước tham gia
phát triển và phổ biến ngành Thiên văn vật lý thì nhân dịp này
xin GS cho biết một đôi nét chính ở trong công việc về nước
tham gia công tác của GS
NQR:
Sau khi hoà bình được lập lại, phong trào kiến thiết
đất nước lan rộng trong cộng đồng người Việt tại
Pháp. Việt Nam hồi đó vẫn còn phải đối mặt với
nhiều vấn đề thiết thực hơn là quan sát vũ trụ. Nhưng
từ thập niên 1990, Hội Thiên văn Quốc tế đề nghị tôi
tham gia chương trình phát triển ngành thiên văn tại
Việt Nam. Những khoá học do Hội Thiên văn Quốc tế tổ
chức được dành cho các cán bộ giảng dạy vật lý tại
các trường Đại học Sư phạm toàn quốc. Sau những khoá
học, các giảng viên vật lý sẽ truyền bá những kiến
thức thiên văn cho sinh viên. Sau lại đến lượt các sinh
viên đã tốt nghiệp giáo viên sẽ giảng dạy ngành này
cho học sinh phổ thông. Như vậy thiên văn học sẽ được
phổ biến nhanh chóng cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên,
những lớp học do Hội Thiên văn Quốc tế tổ chức chỉ
là những lớp học bổ sung kiến thức, chứ không có mục
tiêu đào tạo các nhà thiên văn. Việt Nam hãy còn thiếu
giáo sư chuyên ngành. Khi môn thiên văn chưa được giảng
dạy đúng tiêu chuẩn tại các trường đại học tổng hợp
thì sinh viên không quan tâm đến môn này.
Chúng tôi
cũng đã vận động để một số sinh viên đã tốt nghiệp
đại học trong nước được sang Đài Thiên văn Paris học
tập. Đã có những sinh viên bảo vệ thành công luận án
tiến sĩ về thiên văn. Họ đã trở về nước công tác
nhưng vẫn chưa đủ đông để thành lập một nhóm nghiên
cứu thiên văn. Muốn có hiệu quả, họ không nên tản mát
ở nhiều nơi mà nên cùng công tác tại một viện khoa
học.
Nước ta
cũng có một đài thiên văn đặt trên ngọn đồi Phủ Liễn
tại Kiến An, thành phố Hải Phòng, do chính quyền
thuộc địa xây vào đầu thế kỷ 20. Mục tiêu đầu tiên
cuả Đài Phủ Liễn là quan sát khí quyển và những
hiện tượng liên quan đến khí tượng, từ trường trái
đất và thiên văn, chủ yếu là mặt trời. Sau này, Đài
Phủ Liễn trở thành Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực
Đông Bắc với các hoạt động dự báo thời tiết bằng
radar, quan trắc môi trường và phòng bị thiên tai. Hiện
nay Đài không còn có chức năng thực hiện những quan
sát thiên văn, một phần là do môi trường xung quanh Phủ
Liễn bị ô nhiễm bởi ánh sáng toả ra từ thành phố
Hải Phòng, nên không thuận lợi cho công việc quan sát
vũ trụ.
Nhật thực
ngày 24 tháng 10 năm 1995 tại Việt Nam đã là dip để
phổ biến rộng rãi thiên văn học cho quảng đại quần
chúng. Chúng tôi mang về nước kính thiên văn quang học
và kính thiên văn vô tuyến lắp ráp tại Đài Thiên văn
Paris để hướng dẫn dân chúng quan sát nhật thực toàn
phần diễn ra tại Phan Thiết. Sau nhật thực, chúng tôi
tặng toàn bộ thiết bị cho Đại học Quốc gia Hà Nội
và Đài Phủ Liễn tại Kiến An để sinh viên thực tập.
Ánh Nguyệt:
Dạ thưa bây giờ trong tình hình các bạn trẻ thi nhau tìm
học những ngành có thể dễ dàng tạo ra công ăn việc làm sau
này, như GS vừa cho biết là GS cũng có giúp đỡ cho những sinh
viên VN sang Pháp theo học ngành thiên văn vật lý, nhưng con
số vẫn còn rất ít thì bây giờ giả dụ như có một bạn trẻ VN hỏi
ý kiến GS có nên theo ngành Thiên văn vật lý hay không thì GS
sẽ đưa ra những lời khuyên nào để hướng dẫn họ?
NQR:
Như tôi đã trình bầy, nếu thiên văn học được giảng dạy
bài bản trong các trường đại học thì sinh viên sẽ có
đủ hành trang khoa học để tiếp cận với nhiều môn khoa
học và kỹ thuật khác. Chương trình thiên văn học bao
gổm cả những kiến thức vật lý cơ bản và ứng dụng,
thậm chí cả những áp dụng trong công việc quan sát môi
trường. Có người phát biểu là chỉ nên lưu ý đến thiên
văn như một thú chơi riêng, một loại hobby, có nghĩa là
nếu ai đam mê quan sát bầu trời thì chỉ nên là một
nhà thiên văn nghiệp dư. Quan điểm này có lẽ là phù
hợp với tình trạng giáo dục khoa học hiện nay ở trong
nước. Bởi vì sinh viên học ngành thiên văn có khả năng
không có việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay trong
nước đã có những câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư hoạt
động rất tích cực. Tôi hy vọng tình trạng này sẽ thay
đổi để nước ta có một đội ngũ các nhà khoa học tham
gia chinh phục vũ trụ cùng cộng đồng các nhà khoa học
trên thế giới. Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ chinh phục vũ
trụ, những kính thiên văn ngày càng lớn đặt trên mặt
đất và phóng lên không gian sẽ mang lại những kết quả
bất ngờ và thú vị.
Ánh Nguyệt:
Dạ cuối cùng để kết thúc chương
trình hôm nay thì xin GS Nguyễn Quang Riệu kể lại một vài kỷ
niệm sâu sắc trong chuyên môn của GS
NQR:
Trong ký ức, tôi có ghi lại nhiều kỷ niệm lý thú mà
tôi không thể kể hết ở đây được. Tôi chỉ xin kể lại
một vài kỷ niệm. Hồi đó chúng tôi thường đến Trung
tâm Thiên văn vô tuyến tại vùng Sologne, nơi có những
ăngten khổng lồ để thu tín hiệu vô tuyến cuả những
thiên hà xa xôi. Chúng tôi có ý định tăng cường hiệu
năng cuả hệ ăngten bằng cách phủ mặt đất bằng một
mạng lưới dài 200 met và rộng 30 met. Một hôm có một
nhà thiên văn nước ngoài đến thăm Trung tâm và đề nghị
tại sao các nhà thiên văn chúng tôi lại không làm việc
này cho đỡ tốn tiền. Thế là không bao lâu, tất cả
chúng tôi trong bộ môn thay phiên nhau xuống Sologne,
người thì đẩy xe ba gác, người thì vặn bù loong trong
hàng tháng trời để lắp đặt mạng lưới. Chúng tôi thi
nhau làm việc không khác gì những đồng chí gương mẫu
cuả Stakhanov thi đua làm việc trong những công trường
Liên Xô ngày xưa. Nhưng mỉa mai thay, mạng lưới mà chúng
tôi lắp không tồn tại được lâu, chỉ trong vòng hai năm
sau là lại phải phá đi và thuê chuyên gia làm lại. Rút
cục sử dụng các nhà thiên văn chuyên nhìn lên trời để
làm công việc lao động trên mặt đất không phải là một
giải pháp thích hợp cho lắm.
Tôi thường
xuyên về nước để tổ chức những lớp học về thiên văn.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đưa thêm vào chương
trình học những vấn đề liên quan đến môi trường. Tôi
rất vui khi được trao đổi với những học viên thường là
những cán bộ đang công tác tại các viện khoa học hay
các trường đại học và cả sinh viên sắp tốt nghiệp.
Mỗi lần về
nước giảng dạy, tôi thường đến thăm đất Cảng và Đài
Phủ Liễn. Trên con đường gồ ghề lên tới đỉnh đồi
Phủ Liễn, tôi lại cảm thấy xúc động khi được các cán
bộ cuả Đài tiếp đón ân cần. Khi đó tôi lại nghĩ tới
những kỷ niệm mà tôi đã có từ thời niên thiếu.